10 vạn câu hỏi Vì sao? KHOA HỌC VŨ TRỤ p2

11. Mặt trời là thiên thể như thế nào?
Từ Trái Đất hàng ngày ta thấy Mặt Trời mọc ở phía Đông, lặn ở phía Tây. Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất đưa lại cho ta ánh nắng và nguồn nhiệt. Mặt Trời là thiên thể trung tâm của hệ Mặt Trời, cũng là một hằng tinh gần Trái Đất nhất. Khoảng cách bình quân giữa Mặt Trời với Trái Đất là 149,6 triệu km, đường kính là 1,39 triệu km, gấp 109 lần đường kính Trái Đất, thể tích gấp 1,3 triệu lần Trái Đất, khối lượng gấp 33 vạn lần Trái Đất, mật độ bình quân là 1,4 g/cm3.


Mặt Trời cũng tự quay, chu kỳ tự quay ở đới xích đạo là 25 ngày, càng gần hai cực chu kỳ càng dài hơn, ở hai cực là 35 ngày. Các nguyên tố phong phú nhất trên Mặt Trời là hydro, tiếp đến là heli, ngoài ra còn có cacbon, nitơ, oxy và các loại kim loại giống như các nguyên tố hoá học cấu tạo nên Trái đất, chẳng qua tỉ lệ cấu tạo khác nhau mà thôi.
Mặt Trời là một quả cầu lửa nóng bỏng. Tầng ngoài của nó gồm 3 tầng; quang cầu, sắc cầu và quầng Mặt Trời, mấy tầng này cấu tạo thành tầng khí của Mặt Trời.
Mặt tròn của Mặt Trời mà ta nhìn thấy gọi là cầu quang, độ dày của nó khoảng 500 km, ánh sáng chói mắt chính là từ tầng này phát ra.

Sắc cầu là mặt ngoài của quang cầu, là tầng trung gian của bầu khí Mặt Trời, cao khoảng mấy nghìn km, nhiệt độ từ mấy nghìn đến mấy vạn độ. Khi nguyệt thực toàn phần, những tia sáng mãnh liệt phát ra từ cầu quang bị Mặt Trời che lấp nên ta có thể nhìn thấy tầng khí này có màu đỏ thẫm, do đó gọi tầng này là sắc cầu hoặc tầng sắc cầu.

Quầng Mặt Trời là tầng ngoài cùng nhất của bầu khí Mặt Trời. Tầng này có thể có chiều dày tương đương mấy lần bán kính của Mặt Trời, nó chủ yếu được cấu tạo bởi các nguyên tử điện ly cao độ và các điện tử tự do, mật độ rất loãng. Tầng trong của quầng Mặt Trời hoặc gọi là quầng trong, nhiệt độ cao đến triệu độ. Chất khí của quầng Mặt Trời vì nhiệt độ cao mà không ngừng dãn nở, bắn ra những dòng hạt hình thành gió Mặt Trời.

Ở mép ngoài của Mặt Trời có những khí đoàn giống như ngọn lửa màu đỏ phát ra ánh sáng, gọi là tai lửa Mặt Trời. Có lúc nó bắn ra với tốc độ rất lớn, có thể đạt đến mấy chục vạn km, sau đó lại rơi vào sắc cầu.

12. Vì sao Mặt trời phát sáng và phát nhiệt?
Mặt trời giống như một Quả cầu lửa nóng bỏng, chói chang. Hàng giờ hàng phút nó đều bức xạ một năng lượng lớn, phát ra ánh sáng và nhiệt vào vũ trụ, trong đó có Trái Đất chúng ta. Nhưng lượng ánh sáng Mặt Trời mà Trái Đất nhận được chỉ bằng 1/2,2 tỉ toàn bộ năng lượng bức xạ của Mặt Trời. Ta có thể hình dung uy lực của Mặt Trời như sau, nếu có một lớp băng dày 12 m bọc kín bề mặt Mặt Trời thì chỉ sau 1 phút, nhiệt lượng của Mặt Trời sẽ làm nóng chảy toàn bộ lớp băng đó. Điều khiến cho ta kinh ngạc hơn là Mặt Trời đã từng chiếu sáng như thế hàng mấy tỉ năm nay.
Từ rất lâu người ta đã thắc mắc: năng lượng khổng lồ của Mặt Trời từ đâu mà có?
Sở dĩ Mặt Trời phát ra nguồn năng lượng khổng lồ như thế, đó là nhờ phản ứng hạt nhân nguyên tử của Mặt Trời. Mặt Trời vốn chứa rất nhiều nguyên tố hydro. Ở tâm Mặt Trời dưới điều kiện nhiệt độ cao (15 triệu °C) áp suất cao, các hạt nhân nguyên tử hydro tác dụng lẫn nhau kết hợp với nhân nguyên tử heli nên đồng thời phóng thích ra lượng ánh sáng và lượng nhiệt vô tận như thế.
Trên Mặt Trời lượng hydro tham gia phản ứng nhiệt hạch này rất nhiều, tối thiểu có thể cung cấp cho Mặt Trời tiếp tục chiếu sáng và phát nhiệt 5 tỉ năm nữa. Sau này mặc dù toàn bộ hydro trên Mặt Trời có thể bị cháy hết, nhưng còn có phản ứng nhiệt hạch của các nguyên tố khác nữa, nên Mặt Trời có thể tiếp tục phát sáng và phát nhiệt lâu hơn thế rất nhiều.

13. Gió Mặt trời là gì?
Mặt Trời cũng có gió, đó là gió Mặt Trời. Tên gọi "gió Mặt Trời" được đưa ra từ thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Về sự tồn tại của nó mấy trăm năm trước đã có người nghĩ đến, chứng cớ trực tiếp là đuôi của sao chổi.
Bất cứ lúc nào và trong điều kiện nào, đuôi của sao chổi luôn ngược lại hướng Mặt Trời. Nói một cách khác khi sao chổi tiến gần đến Mặt Trời giống như đầu của nó kéo theo cái đuôi tiến lên; khi sao chổi đi xa Mặt Trời. Đuôi của sao chổi luôn kéo dài theo hướng ngược với Mặt Trời. Căn cứ hiện tượng này nhiều người tin rằng nhất định trên Mặt Trời có gió làm cho đuôi sao chổi luôn đi theo hướng ngược lại với Mặt Trời. Người ta suy luận tiếp: gió Mặt Trời là do những hạt mang điện từ bức xạ của Mặt Trời phát ra.

Cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, nhà thiên văn Fax người Mỹ đã miêu tả chính xác luồng gió Mặt Trời: tầng ngoài cùng của bầu khí Mặt Trời, tức là quầng Mặt Trời không có một biên giới rõ ràng nó giãn nở liên tục, khiến cho những hạt có nhiệt độ cao và mật độ dày phóng ra các phía với tốc độ cao và ổn định. Luồng gió này có thể thổi đến Trái Đất của ta, ở gần quỹ đạo Trái Đất người ta đo được tốc độ gió Mặt Trời khoảng 450 km/s. Gió Mặt Trời là luồng gió rất loãng, nó còn loãng hơn chân không mà ta có thể tạo được trong phòng thí nghiệm.
Luồng gió Mặt Trời với tốc độ lớn như thế có thể thổi đi bao xa?
Xét đến sự ảnh hưởng của các chất ở trong không gian đối với nó, các nhà khoa học suy đoán rằng nó có thể thổi đến một khoảng cách 25 - 50 đơn vị thiên văn (một đơn vị thiên văn khoảng 150 triệu km), có thể còn xa hơn nữa.

14. Mặt trời có "chết" không?
Đối với con người Mặt Trời là thiên thể quan trọng nhất trong vũ trụ, vạn vật sinh trưởng dựa vào Mặt Trời. Không có Mặt Trời thì trên Trái Đất không thể có sự sống. Mặt Trời đem lại ánh sáng và ấm áp cho chúng ta, đưa lại sự luân hồi về ngày đêm và các mùa, làm cho Trái Đất thay đổi nóng lạnh, cung cấp nguồn năng lượng đủ các dạng cho sự sống trên Trái Đất. Hàng năm, hàng tháng Mặt Trời mọc từ phía Đông lặn xuống phía Tây. Trong con mắt của con người, tuy "vật đổi sao dời" xảy ra, nhưng Mặt Trời đã trở thành một biểu tượng vĩnh hằng mãi mãi.
Trên thực tế Mặt Trời là một thiên thể khí nóng bỏng tạo thành quả cầu lửa khổng lồ, hàng tỉ năm nay Mặt Trời vẫn bốc cháy rừng rực trên không trung. Từ góc độ thiên văn học, Mặt Trời chỉ là một hằng tinh thông thường trong hệ Ngân hà, hơn nữa giống như bất cứ thiên thể nào khác, nó đều có quá trình sinh ra, trưởng thành và tử vong.

Tuổi của Mặt Trời đã gần 5 tỉ năm. Mặt Trời thông qua phản ứng dây chuyền nhiệt hạch, dựa vào một lượng lớn nguyên tố hydro tập trung ở tâm mà phát sáng, phát nhiệt. Bình quân mỗi giây nó tiêu hao 6 triệu tấn hydro. Nguyên tố hydro tàng trữ trong Mặt Trời có thể cung cấp cho Mặt Trời tiếp tục cháy sáng 5 tỉ năm nữa. Vậy sau năm tỉ năm nữa Mặt Trời sẽ ra sao? Đến lúc đó nhiệt độ của Mặt Trời có thể đạt đến hơn 100 triệu °C, bên trong Mặt Trời sẽ dẫn đến sự phát sinh heli đột biến. Tiếp theo đó Mặt Trời sẽ giãn nở rất nhanh, đi vào giai đoạn ngôi sao đỏ khổng lồ. Độ sáng của nó sẽ tăng gấp 100 lần hiện nay và nó sẽ nuốt chửng các hành tinh gần nó như sao Thuỷ, sao Kim. Trái Đất cũng có thể bị Mặt Trời giãn nở nuốt mất, cuộc sống sẽ không tồn tại nữa. Cùng với thời gian trôi đi, Mặt Trời ngày càng tiêu hao năng lượng hạt nhân của nó, cuối cùng đi vào thời kỳ tàn lụi như ngọn nến, tiếp theo đó là co ngót thành một ngôi sao lùn trắng, nguội dần, mất đi khả năng phát sáng, trở nên tối tăm trong vũ trụ bao la.
Khi Mặt Trời mất đi thì Trái Đất đã sớm không tồn tại nữa. Đến lúc đó có thể loài người phát triển đến nền văn minh cao độ và du hành giữa các vì sao, có thể sinh cơ lập nghiệp ở một ngôi sao nào đó trong hệ Ngân hà. Ai dám nói đó không phải là sự thật?

15. Trong hệ Mặt trời có những thành viên chủ yếu nào?
Hệ Mặt Trời là một hệ thống thiên thể được cấu tạo bởi Mặt Trời, 9 hành tinh lớn, mấy chục vệ tinh, hàng nghìn hàng vạn các tiểu hành tinh và vô số sao chổi cùng với những thiên thạch không thể đếm xuể và các chất giữa các ngôi sao phân bố khắp nơi trong không gian hệ Mặt Trời.
Mặt Trời là thiên thể trung tâm của hệ Mặt Trời. Tất cả các thành viên của hệ Mặt Trời đều quay quanh nó.
9 hành tinh cách Mặt Trời từ gần đến xa lần lượt là: sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, sao Hoả, sao Mộc, saoThổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương và sao Diêm Vương. Sao Mộc to nhất, là "anh cả" trong các hành tinh. Còn sao Diêm Vương nhỏ nhất là "em út" của các hành tinh (hiện chỉ được coi là hành tinh lùn). Ngoài sao Thủy và sao Kim ra thì 7 hành tinh khác đều có vệ tinh của mình. Trong các vệ tinh thì vệ tinh thứ 6 của sao Thổ có đường kính lớn nhất, khoảng 5800 km, còn lớn hơn cả sao Thủy.
Lần đầu phát hiện tiểu hành tinh là vào đêm giao thừa tết Nguyên đán năm đầu tiên của thế kỷ XIX. Đến nay đã có hơn 8000 tiểu hành tinh được chính thức đặt tên. Thực ra số tiểu hành tinh còn nhiều hơn thế, tổng số trên 50 vạn.

Sao chổi là thành viên có hình dạng đặc biệt nhất, thay đổi nhiều nhất trong hệ Mặt Trời. Lúc nó gần Mặt Trời thì đường kính của đầu sao chổi khoảng trên 10 vạn km, đuôi của nó dài hàng nghìn, hàng vạn km, thậm chí còn dài hơn nữa, đó là một vật thể vô cùng lớn nhưng mật độ bình quân của nó còn thấp hơn rất nhiều so với chân không nhân tạo. Có người tính rằng: tổng số sao chổi trong hệ Mặt Trời không dưới 1 tỉ ngôi, nhưng hàng năm dùng kính viễn vọng chỉ có thể nhìn thấy mấy ngôi hoặc mười mấy ngôi.
Thiên thạch bình thường không thấy được, chỉ khi nó rơi vào tầng khí quyển của Trái Đất, ma sát với không khí bốc cháy mới để lại một vệt sáng trong không trung, đó chính là sao băng mà ta nhìn thấy. Hàng năm số thiên thạch bốc cháy không hết rơi vào mặt đất khoảng không dưới 20 vạn tấn, phần lớn chỉ là những vật thể nhỏ như mũi kim, có một số lượng lớn hơn cháy không hết rơi xuống mặt đất gọi là vẫn thạch hay vẫn tinh.

16. Thế nào là sao lùn trắng?
Các hằng tinh khối lượng thấp và trung bình sau khi tiêu thụ hết nhiên liệu phản ứng hạt nhân sẽ “chết” và biến thành sao lùn trắng.

Sau khi hết nhiên liệu phản ứng hạt nhân chúng chuyển sang giai đoạn đốt cháy hêli trở thành các sao đỏ khổng lồ. Vì chỉ có khối lượng thấp và trung bình nên các ngôi sao này không đủ nặng để sinh ra nhiệt độ ở lõi cần thiết để nung chảy cacbon trong các phản ứng tổng hợp hạt nhân. Cuối giai đoạn này, nửa bên ngoài của sao khổng lồ đỏ sẽ bị đẩy ra không gian tạo thành tinh vân, phần còn lại là một lõi trơ chứa chủ yếu là cacbon và ôxy, đó chính là sao lùn trắng.
Nhiệt độ bề mặt của sao lùn trắng cao hơn Mặt Trời rất nhiều, ước khoảng 1 vạn độ C, cho nên nó phát ra ánh sáng màu trắng. Lùn là chỉ hằng tinh đó nhỏ, thể tích của sao lùn trắng gần như Trái Đất, chưa đến một phần triệu của thể tích Mặt Trời. Những sao lùn trắng nhỏ hơn, có ngôi chỉ bằng 1/10 triệu Mặt Trời, nhưng khối lượng của nó lại tương đương với Mặt Trời. Nếu sao lùn trắng vượt quá khoảng 1,4 khối lượng Mặt Trời nó có thể nổ tung như các siêu tân tinh.
Sao lùn trắng không còn nguồn cung cấp năng lượng và bức xạ, dần dần nhiệt của chúng truyền ra bên ngoài và nguội dần đi. Cuối cùng, sau hàng chục tỷ năm, sao lùn trắng sẽ nguội tới nhiệt độ mà từ đó nó không còn được nhìn thấy. Tuy nhiên, với tuổi vũ trụ chỉ khoảng 15 tỷ năm nên các sao lùn trắng già nhất vẫn còn bức xạ với nhiệt độ vài nghìn độ K.

17. Tinh vân là gì?
Tinh vân (từ Hán Việt nghĩa là mây sao; tiếng Latinh: nebulae có nghĩa là "đám mây") là hỗn hợp của bụi, khí hydro, khí helium và plasma.
Tinh vân có thể là vật chất được phóng ra do sự kết thúc của một ngôi sao hoặc được hình thành bởi những đám bụi liên kết lại với nhau do hấp dẫn nhưng khối lượng chưa đủ để tạo thành một ngôi sao hay một thiên thể lớn. Các tinh vân thường tập trung thành những giải hẹp, dày từ vài chục đến vài trăm năm ánh sáng (1 năm ánh sáng = 9.460 tỷ km).

Các chất khí trong tinh vân chủ yếu là hiđrô, còn bụi thì chủ yếu là các phân tử cácbon và các mảnh đá vụn. Sự tập trung mật độ vật chất không đồng đều giữa các tinh vân: một số có mật độ bụi khí rất dày đặc, số khác thì loãng hơn. Có tinh vân sáng chói hơn do phản chiếu ánh sáng của các ngôi sao gần đó: đó là tinh vân sáng. Bản thân một số chất khí trong tinh vân cũng bức xạ ánh sáng khi ở cạnh một ngôi sao có nhiệt độ cao. Khí nitơ và khí hiđrô bức xạ ánh sáng đỏ, còn khí ôxi bức xạ ánh sáng xanh. Phải nhìn vào kính thiên văn cực mạnh thì mới thấy hết sắc màu rực rỡ của các tinh vân này. Một số tinh vân đậm đặc hơn, ngăn cản ánh sáng của các ngôi sao sáng phía sau: đó là các tinh vân tối. Những tinh vân tối chỉ nhận biết được trong kính thiên văn khi nó che kín từng mảng sao trên bầu trời.

18. Hố đen là gì?
Mấy chục năm trước các nhà khoa học căn cứ Thuyết tương đối rộng của Anhxtanh đã dự đoán có một thiên thể gọi là hố đen (hay lỗ đen). Vậy lỗ đen là gì?

Lỗ đen là một loại thiên thể rất kỳ quái, thể tích của nó rất nhỏ, độ dày đặc rất cao, khối lượng mỗi cm3 có thể đạt đến mấy chục tỉ tấn, thậm chí nhiều hơn. Nếu từ lỗ đen lấy xuống một mẫu vật chất to bằng hạt gạo thì phải dùng mấy vạn chiếc tàu cỡ vạn tấn mới có thể chở hết.
Nếu biến Mặt Trời thành một lỗ đen thì bán kính của nó thu nhỏ lại chưa đến 3 km.
Vì mật độ của lỗ đen rất lớn, cho nên lực hút của nó cũng rất mạnh, tất cả các vật chất trong nội bộ lỗ đen bao gồm cả ánh sáng cũng không thoát khỏi sức hút khổng lồ của nó. Không những thế mà nó còn có thể hút tất cả ánh sáng và các vật chất khác xung quanh nó. Khi lỗ đen xoay tròn sẽ phát ra tia X và tia Y rất mạnh, dựa vào tia này có thể nhận ra sự tồn tại của nó.
Các hố đen có thể hình thành khi một ngôi sao khổng lồ bùng phát ra nhiên liệu hạt nhân và sụp đổ dưới trọng lực riêng của nó. Nếu ngôi sao đủ lớn không có lực nào có thể chống lại lực hấp dẫn ngày càng tăng, và nó sẽ sụp đổ đến một điểm mật độ vô hạn. Trong giai đoạn ngôi sao khổng lồ suy sụp, chân trời sự kiện, vùng kì dị hấp dẫn hình thành, ánh sáng bị mắc kẹt không thoát ra được và vật thể trở nên vô hình.

Vùng kì dị là nơi độ cong không thời gian có giá trị vô hạn (hay kì dị độ cong). Vùng này chỉ là một điểm có r = 0, thể tích bằng không, nó chứa toàn bộ khối lượng của lỗ đen và có mật độ vật chất lớn vô hạn. Bề mặt biểu kiến của lỗ đen có dạng xấp xỉ hình cầu bao quanh vùng kì dị được định nghĩa là chân trời sự kiện - biên giới trong không thời gian mà khi vượt qua nó vật chất và bức xạ chỉ có thể đi về tâm lỗ đen. Không một thứ gì trong chân trời sự kiện có thể thoát ra ngoài, mọi vật chất từ bên ngoài nếu đi qua chân trời sự kiện sẽ hút vào vùng kì dị.

19. Vì sao nhiệt độ bề mặt sao Kim lại cao đến thế?
Sao Kim cách Mặt Trời bằng 30% so với Trái Đất, nhiệt độ bề mặt của nó nên cao hơn nhiệt độ bề mặt Trái Đất theo tỷ lệ tương ứng mới phải, đó là điều hoàn toàn có thể dự đoán và hiểu được. Nhưng các nhà khoa học quan sát phát hiện thấy nhiệt độ bề mặt sao Kim (465 - 485 °C) cao hơn nhiệt độ Trái Đất (33°C) rất nhiều, gấp hơn 14 lần.

Nguyên nhân gì khiến cho nhiệt độ bề mặt sao Kim cao đến thế?
Sao Kim có một tầng khí quyển dày đặc bao bọc. Nó ngăn cản ta quan sát trực tiếp bề mặt mà chỉ thông qua những thiết bị thám không để quan sát được.
Trong tầng khí quyển của sao Kim hàm lượng khí cacbonic cao đến mức khó tưởng tượng, trên 97%. Hàm lượng khí cacbonic ở tầng thấp nhất của tầng khí quyển còn cao hơn, đạt 99%, hầu như toàn bộ là khí cacbonic. Trong bầu khí quyển gần mặt đất của Trái Đất hàm lượng khí cacbonic chỉ chiếm 0,03% so với sao Kim thì không đáng kể. Ngoài ra trong tầng khí quyển của sao Kim còn có một ít nitơ, agon, khí cacbon monôxit và hơi nước.
Trong tầng không khí cách bề mặt sao Kim 3 - 4 nghìn km tồn tại một lớp sương mù axit sunphuric (H2SO4) đậm đặc cấu tạo thành. Bầu khí quyển của sao Kim có thể phản xạ 76% ánh nắng của Mặt Trời, khiến cho bầu trời của nó rất sáng. 24 % ánh nắng Mặt Trời còn lại xuyên qua bầu khí quyển, thông thường đáng lẽ 24 % ánh nắng này có một phần phản hồi lại không trung, nhưng do nồng độ khí CO2 dày đặc cản trở, giống như một lớp chăn bông dày bao phủ bề mặt nên nó bị giữ lại làm cho bề mặt nóng lên. Nhiệt lượng bức xạ của Mặt Trời ngày càng tích tụ gần bề mặt gọi là "hiệu ứng nhà kính", do đó nhiệt độ ngày càng cao, đạt đến mức như ngày nay.

20. Vì sao Sao Hoả lại màu đỏ?
Quan sát sao Hoả từ kính viễn vọng, sao Hoả giống như một khối cầu lửa đang bốc cháy.

Vì sao sao Hoả có màu đỏ lửa?
Như ta đã biết, sao Hoả là một trong 9 hành tinh của hệ Mặt Trời. Hành tinh là thiên thể không phát sáng, ta nhìn thấy sao Hoả có màu đỏ lửa là do kết quả phản xạ ánh nắng Mặt Trời của nó.
Theo nghiên cứu, lớp đá bề mặt sao Hoả có nhiều chất sắt. Khi những lớp đá này bị phong hoá tác dụng sẽ hình thành cát bụi, chất sắt trong đó bị oxy hoá thành sắt ôxit màu đỏ. Vì bề mặt sao Hoả rất khô, không tồn tại trạng thái nưóc, khiến cho cát bụi trên bề mặt Sao Hoả dễ bị gió thổi bùng lên, thậm chí phát triển thành lớp bụi che phủ toàn bộ Sao Hoả. Năm 1971, khi thiết bị thám hiểm vũ trụ "Thuỷ thủ số 9" bay qua bề mặt sao Hoả đã quan trắc được một trận bão bụi rất lớn. Trận bão này bắt đầu từ bán cầu Nam sau đó phát triển sang bán cầu Bắc, bao phủ toàn bộ bề mặt của sao Hoả trong lớp bụi dày. Bão bụi kéo dài mấy tháng sau đó phục hồi trở lại trạng thái ban đầu. Chính vì bão bụi phát sinh lặp đi lặp lại, khiến cho bề mặt sao hầu như luôn bị che phủ bởi một lớp cát bụi sắt ôxít rất dày. Dưới ánh sáng của Mặt Trời, trong bầu trời ban đêm sao Hoả như một quả cầu lửa phát ra ánh sáng màu đỏ.

 

NQuan

bách khoa tri thức , 10 vạn ,
Ý kiến của bạn
Gửi
Ý kiến bạn đọc
    Bài viết liên quan

    Cách rút các khoáng chất trong nước biển ra?

    Trong nước biển chứa nhiều loại khoáng chất như Natri, Magie, Canxi, Kali…

    Những phương pháp làm ngọt nước biển

    Phương pháp loại muối khỏi nước biển để sử dụng.

    Vì sao nói "Lên trời còn dễ hơn xuống biển"?

    Ngày nay đáp máy bay bay trên trời đối với mỗi người mà nói không còn là mơ ước nữa. Nhưng so với bay lên trời thì xuống sâu dưới biển không phải là việc dễ dàng...

    Vì sao phải bảo vệ san hô?

    Dưới đáy biển có những rạn san hô khổng lồ có ảnh hưởng lớn đến sinh vật đáy biển và cả con người…

    Thuỷ triều đỏ (hồng triều) là hiện tượng gì?

    Trên biển có hiện tượng nước thuỷ triều có sắc đỏ gọi là thuỷ triều đỏ hay hồng triều.

    Vì sao trong biển có một số đảo lúc chìm, lúc nổi?

    Có những hòn đảo khi tì nổi lên mặt biển, lúc lại biến mất. Vì sao?
    Có thể bạn quan tâm:
    Xem thêm
    vnReview