Bố

“Rồi sẽ đến một lúc nào đó con sẽ cảm thấy tiếc thời gian, tuổi trẻ bồng bột, chúng ta thường không bao giờ biết trân trọng thời gian, nhưng lớn thêm một chút, con sẽ hiểu”
Ngày đó nghe những lời của bố, tôi vẫn coi là trò đùa. Người già thường hay hồi tưởng, theo cách gọi của lũ trẻ chúng tôi là “kể chuyện cổ tích”. Như đọc truyện ngắn “Người hát rong” của Paul Jennings . Có một đoạn kể về ông bố trước mỗi đòi hỏi của người con trai luôn nhắc lại hồi ức của mình, qua lời cậu nhóc thì nó thành một dạng thế này:
“Bố hay kể về việc ngày xưa nhà nghèo thế nào, bố phải cuốc bộ 5 cây số hàng ngày ra sao để đến lớp rồi đến khi về nhà chưa được chút gì vào bụng đã phải bổ một đống củi to bằng một cái rìu cùn. Sau dần, qua mỗi lần kể, câu chuyện lại thay đổi cấu trúc, quãng đường dài ra, đống củi ngày một to lên, đến cuối cùng tôi nghĩ bố phải cuốc bộ gần 100 cây số đến trường và bổ 10 tấn củi bằng một con dao cạo râu”



Vâng, với người trẻ như chúng ta, nhưng câu chuyện cũ của cha mẹ là như thế đấy, một cái gì đó thuộc về quá khứ, xa xăm và thật khó nắm bắt. Cho đến hôm nay khi lớn thêm một chút, tôi chợt nhận ra sự đúng đắn của những câu chuyện và lời khuyên của bố. Không biết quản lý thời gian, tôi thường xuyên bị ngợp bởi công việc, tôi không biết cách để cân bằng giữa giải trí và lao động. Có khi tôi chơi bừa đi, gửi tuổi trẻ cuồng dại của mình vào những cuộc tụ tập không hồi kết thúc, có những lúc say say tỉnh tỉnh nhấc mình ra khỏi chiếc giường quen mà không biết mình phải làm cái gì để bắt đầu một ngày mới vào lúc 2h chiều? Công việc cũng thế, việc thiếu sắp xếp khoa học đã dẫn đến sự lộn xộn và dồn ứ. Bế tắc trong cách giải quyết và stress làm tôi luôn tỉnh dậy với choáng váng, tôi phải tìm đến rượu và thuốc lá để tự mình vượt thoát khỏi một cơn ngộp thở, hòng đánh bại sự căng thẳng đang bấm còi loạn lên trong đầu.
Tỉnh dậy bao giờ cũng quá khó nhọc.
Những lúc như vậy, tôi thường nghĩ về bố, về những lời khuyên của ông – một con người bình dị nhưng luôn có phong thái khoan thai nhẹ nhàng trong mọi việc. Tôi muốn nhấc máy lên để nghe bố nói, nghe lời khuyên nhưng lắm lúc lòng kiêu hãnh của một thằng con trai “tự lập” muốn thoát khỏi cái bóng lớn của bố khiến tôi chùn chân. Tôi dập máy, gác lại một mẩu đối thoại không đầu cuối với bố.
Một ngày, ông về nhà bất ngờ sau chuyến công tác, bố gọi tôi đi uống cốc cà phê, tôi rất bất ngờ. Hai bố con gần như ít khi đi cà phê riêng với nhau, tuyệt đối hiếm hoi. Bố nói “Con gầy quá, phải chú ý sức khỏe, dạo này có còn đọc sách không?”
Tôi ngước đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ nhìn bố : “Không, dạo này con không có thời gian”
“Con còn trẻ, tuổi trẻ là thời gian huy hoàng nhất của đời người, ta tưởng là việc gì ta cũng làm được, ta làm gì cũng tốt, và cái gì ta cũng biết. Con ơi, không phải như thế, bố qua rồi bố biết chứ. Ta sẽ còn phải vấp ngã nhiều lắm mới học được bài học con ạ. Trời cho mỗi người khoảng thời gian 24 tiếng là như nhau, một ngân quỹ cố định, nếu con biết cách, con sẽ có đủ thời gian cho mọi thứ. Đừng cậy sức trẻ mà ôm đồm mọi việc vào người, hãy làm từ từ, ưu tiên từng việc một, lớn rồi nhỏ, hoặc có thể nhỏ rồi lớn tùy cách con ưa thích”
“Vâng”
“Có ngày bố đi dạy học về, đèo thêm mớ rau ra chợ để bán, vừa cắt may lại vừa nhận dịch thêm, nuôi gà, nuôi lợn không việc gì bố chưa làm, chỉ để nuôi con lớn và giữ mái nhà mình đủ ăn êm ấm. Bố chỉ nghĩ mình phải cố gắng hết sức kiếm tiền cho nhà mình thoát khổ là mọi người sẽ hạnh phúc. Bố nhầm con ạ. Bố không có thời gian dành cho con, đó là điều bố hối tiếc nhất, cái cơm áo gạo tiền lấy hết những thời gian để bố trưởng thành cùng con, rồi sau này, con thấy đấy, những chuyến công tác làm cho chúng ta xa nhau hơn, nhà cửa ta cũng khá giả hơn, nhưng chúng ta xa nhau hơn…”
“Nếu được đổi lại, bố vẫn muốn mình kiếm ít tiền đi và có thời gian để đọc cho con một mẩu truyện trước khi đi ngủ như mẹ vẫn thường làm, đưa con và đón con đến trường đều đặn hơn, ở bên cạnh gia đình mình những giờ phút quan trọng nhất, để cho bố con ta không xa cách nhau như bây giờ, bố đã phạm những lỗi lầm đó, đó là lỗi của bố, mong rằng khi trưởng thành, con cũng đừng phạm những sai lầm như bố đã từng mắc phải. Hãy biết cân bằng. Hãy tận dụng thời gian, hãy dành nó cho những người con yêu thương nhất.”


Đó là lần đầu tiên, sau một thời gian rất dài tôi nhìn thẳng vào mắt bố và nói “Cảm ơn bố”. Khoảng cách giữa hai thế hệ cha con tôi là quá lớn, bố gần như biến mất khỏi những năm tháng trưởng thành của tôi do công việc. Phần lớn ông ở những phương trời xa lạ mà tôi chỉ biết tên chứ chưa bao giờ thấy tận mắt. Nhưng tôi biết bố rất yêu tôi, theo một cách riêng của bố. Bố không cưng nựng, xoa dịu hay chiều theo mọi sở thích của tôi, ông chỉ đứng lặng lẽ một bên, cho tôi những lời khuyên mà tôi thường bỏ ngoài tai, hay phản ứng bằng những cuộc đấu khẩu long trời lở đất và kết thúc bằng tiếng tôi sập mạnh cánh cửa bỏ ra ngoài.
“Bố sẽ lại sang Nhật” – Ông thở dài. “3 tháng, bố sẽ về sớm thôi…”
“Sẽ về sớm thôi” – Câu nói tôi vẫn tin ngày tôi thơ bé, mà tôi chờ bố mỏi mòn.
Tôi chợt thấy thời gian tua ngược lại khi tôi còn nhỏ, khi tôi bị bắt nạt, chạy về nhà khóc gọi bố với nước mắt lấm lem. Bố không ôm chặt tôi như mẹ vẫn làm. Ông nghiêm khắc đứng nhìn tôi xước xác mặt mũi rồi nói: “Làm sao mà phải khóc, đàn ông con trai mà như thế à? Để bắt nạt xong về ăn vạ? Con lần sau mà như thế bố sẽ cho con về chơi đồ hàng cùng các chị nhé?”
Tôi khóc to hơn. Ông vụt tôi 3 roi quắn đít. Mẹ sà vào che cho tôi. Lần đầu tiên ông đánh tôi. Mẹ tôi giận bố lắm.
Sau đó tôi có chạm trán với thằng bắt nạt tôi một lần nữa. Lần này tôi chủ động đấm nó trước, không có cú huých vai mào đầu như lũ trẻ hay làm. Múc luôn, dồn dập điên dại để trút giận, bất ngờ đến nỗi nó đứng chôn chân chịu đòn. Lũ bạn nó đè ngửa tôi ra đánh ngay sau đó để giải nguy. Tôi chạy thoát khi có anh lớn cứu. Tôi chạy như bay về nhà. Bố đang ngồi may quần áo. Nghe tiếng chân tôi chạy về, ông quay ra và thấy mặt mũi tôi sưng húp. Bố hỏi:
“Thế nào con trai? Hôm nay nằm trên hay nằm dưới?”
“Con nằm trên” – Tôi tự hào.
“Tốt, vào rửa mặt rồi ăn cơm” – Bố không đánh tôi cũng không mắng tôi như lần trước. Bố chỉ bảo: “Trong cuộc đời của con không phải lúc nào con cũng dựa được vào người khác, bố cũng không thể theo dõi bảo vệ con cả đời được, phải tự con đối mặt với nó, khi con đối mặt rồi, con sẽ không còn sợ nữa”
Đó gần như là lần cuối cùng tôi bị bắt nạt ở xóm. Là ký ức rõ ràng nhất về bố.
“Bố đi nhớ giữ sức khỏe “ – Tôi nhìn bố, già nua hẳn đi với những sợi tóc mai bạc trắng. Ông sẽ lại về với vùng trời khác, tạm đặt gia đình sang một bên để toàn tâm toàn ý cho công việc. Giờ tôi hiểu hơn, ông cũng không muốn như thế chút nào, thời gian của bố cũng ít dần đi. Bố cũng đâu muốn vậy.
Trên đường về, tôi soạn một tin nhắn: “Con yêu bố, bố cứ yên tâm nhé!”
Ngập ngừng mãi giữa ngã tư đèn xanh đèn đỏ, giữa muôn trùng những khuôn mặt xa lạ tôi mới bấm nút gửi.
Tôi tự nhiên thấy thời gian dừng lại.
Vì đó là lần đầu tiên tôi nói “Yêu bố”. Khi tôi đã chập chững trưởng thành.
Năm ấy, tôi 24 tuổi.

 

Internet update

Sống thời @ ,
Ý kiến của bạn
Gửi
Ý kiến bạn đọc
    Bài viết liên quan

    Thử thách khả năng sinh tồn của bạn

    Đây là bài trắc nghiệm vui thử nghiệm khả năng sinh tồn của bạn.

    “Người sẵn sàng cho bạn vay tiền là quý nhân của bạn!”

    Người ta gặp được nhau trong kiếp này gọi là duyên phận. Nhưng sống được bền lâu với nhau phải dựa trên chân thành và tín nghĩa.

    Những điều nữ giới đặc biệt thích ở đàn ông

    Bạn có biết phụ nữ ưa thích những đặc điểm gì ở các chàng trai không? Bài viết này tiết lộ những điểm đặc biệt nhất.

    Mẹ

    Với tôi mẹ là người phụ nữ vĩ đại nhất.

    Chào mừng các em đến với cuộc đời thực

    Chúng ta là ai sau khi tốt nghiệp đại học? “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”

    “Xin đừng giúp con tôi!”

    Hãy dạy con tự lập và tự ra quyết định ngay từ nhỏ
    Có thể bạn quan tâm:
    Xem thêm
    vnReview